Menu
Log in


Upcoming events

Donation goal

Follow Us

News

Blog posts

  • 16 Feb 2024 12:14 PM | Anonymous

    Khai phá tiềm năng thị trường Mỹ

    Năm 2023 đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ Việt Nam – Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững văn hóa kinh doanh nước sở tại để thâm nhập sâu vào thị trường này. 

    DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Vinh Nguyễn, Chủ tịch Tổ chức Người Việt toàn cầu về kinh doanh và đầu tư (VBI Global) có trụ sở tại Mỹ, về vấn đề này.

    Hoa Kỳ vẫn luôn nổi danh với các đế chế kinh doanh của họ. Theo ông, có những đặc trưng nào làm nên văn hóa kinh doanh của người Mỹ?

    Người Mỹ đề cao tinh thần cá nhân, cho nên trong kinh doanh họ thường khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong công việc của từng cá nhân.

    Bên cạnh đó, người Mỹ thường giao tiếp trực tiếp, cởi mở và thẳng thắn. Họ thường tập trung vào kết quả cuối cùng, không quá quan tâm đến các thủ tục rườm rà.

    Mặc dù có sự khuyến khích cá nhân sáng tạo, nhưng họ vẫn nhấn mạnh vào việc làm nhóm. Đối với doanh nghiệp Mỹ, những kết quả tốt nhất có thể đến được từ việc hợp tác.

    Sở dĩ người Mỹ có thể “chiến thắng thị trường” là bởi tư duy tập trung vào khách hàng của họ. Doanh nghiệp Mỹ thường xem khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động kinh doanh. Trong đó, việc cung cấp dịch vụ và sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của khách hàng phải là ưu tiên hàng đầu.


    Các doanh nhân Mỹ luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới mẻ và thay đổi cách làm việc để phù hợp với tình hình thực tế. Trong kinh doanh, người Mỹ thường chấp nhận rủi ro và sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới.

    Một đặc điểm của các doanh nghiệp Mỹ là họ xây dựng và duy trì được một giá trị cốt lõi và tầm nhìn xuyên suốt qua nhiều năm. Theo ông, họ làm được điều đó như thế nào và nó ý nghĩa gì đối với hoạt động kinh doanh của họ?


    Các doanh nghiệp tại Mỹ xác định giá trị và tầm nhìn thông qua quá trình tham vấn nội bộ. Không chỉ là suy nghĩ của riêng nhà sáng lập, quá trình đó bao gồm các cuộc họp của ban lãnh đạo, các cuộc khảo sát nhân viên và các cuộc thảo luận với các bên liên quan khác. Quá trình này thường được dẫn dắt bởi ban lãnh đạo cấp cao, những người chịu trách nhiệm xác định các giá trị và tầm nhìn phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu của doanh nghiệp.

    Thông qua các quyết định kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, các giá trị cốt lõi của họ càng được thể hiện rõ nét và nhất quán. Đến một mức độ nào đó, chúng sẽ trở thành nền tảng cho văn hóa doanh nghiệp của công ty và quay trở lại ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của doanh nghiệp.


    Ví dụ, nếu một doanh nghiệp có giá trị cốt lõi là “đổi mới”, họ sẽ luôn ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Tập đoàn Apple là một điển hình cho việc đeo đuổi “cái mới” đó…

    Theo ông, sự khác nhau căn bản giữa văn hoá kinh doanh của Việt Nam và Mỹ là gì? Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để “mở khóa” tiềm năng thị trường Mỹ?

    Văn hóa kinh doanh của Việt Nam và Mỹ dựa trên hai nền văn hóa khác nhau, được hình thành và phát triển dựa trên những nền tảng lịch sử, kinh tế, xã hội khác nhau; mỗi bên đều có những thế mạnh của riêng mình.

    Người Mỹ đề cao tinh thần cá nhân, cho nên trong kinh doanh họ thường khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới

    Điển hình như trong giao tiếp, người Mỹ thường sử dụng ngôn ngữ trực tiếp và thẳng thắn. Họ không ngại đưa ra ý kiến của mình, ngay cả khi đó là ý kiến trái chiều. Trong khi đó, văn hóa kinh doanh của Việt Nam đề cao tinh thần tập thể, sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm. Tôi nhận thấy người Việt thường sử dụng ngôn ngữ gián tiếp và khéo léo. Họ thường ngại đưa ra ý kiến trái chiều, vì sợ làm mất lòng đối phương.

    Hay nói đến tính thực tế và hiệu quả, văn hóa kinh doanh của Mỹ xoay quanh yếu tố thực tế và hiệu quả. Trong khi đó, cách vận hành kinh doanh của Việt Nam thường chú trọng đến các mối quan hệ, các thủ tục và quy trình nhiều hơn.

    Một khác biệt quan trọng khác là tính linh hoạt. Như đã nói, tốc độ thích ứng của doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các SMEs, rất cao. Trong khi đó, văn hóa kinh doanh của Việt Nam thường coi trọng sự ổn định, truyền thống. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có tâm lý thận trọng và e ngại khi phải thay đổi hoặc đối mặt với những rủi ro và thách thức mới.

    Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa văn hóa kinh doanh của Việt Nam và Mỹ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác hiệu quả hơn với đối tác Mỹ.

    Để khai thác tốt hơn thị trường Mỹ, tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt nên thực hiện một số việc như sau.

    Thứ nhất, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa kinh doanh của Mỹ - điều sẽ giúp họ hiểu được những giá trị và hành vi được coi là phù hợp trong kinh doanh ở Mỹ.

    Thứ hai là tôn trọng văn hóa của đối tác. Khi giao tiếp hoặc hợp tác với đối tác Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam nên tôn trọng văn hóa kinh doanh, thể hiện qua cách ăn mặc, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ như chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung cuộc gặp, các tài liệu cần thiết,… Điều này sẽ giúp họ thể hiện sự chuyên nghiệp và tôn trọng trong mắt các đối tác.

    Thứ ba là lắng nghe và thấu hiểu. Trong quá trình giao tiếp hoặc hợp tác, các doanh nghiệp Việt Nam nên lắng nghe và thấu hiểu đối tác. Điều này sẽ giúp họ hiểu được nhu cầu và mong muốn của đối tác, từ đó có thể đưa ra những giải pháp phù hợp.

    Trân trọng cám ơn ông!

    Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp

    09.02. Thực hiện TRƯỜNG ĐẶNG

  • 2 Feb 2024 6:03 PM | Anonymous

    Chị Liễu Nguyễn - chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại VBI Global, đại diện VBI Global - Tổ chức Người Việt toàn cầu về kinh doanh và đầu tư tham dự Lễ đón Tết Nguyên Đán nhầm ghi nhận vai trò quan trọng của Người Mỹ gốc Á trong vai trò lãnh đạo do Phó Tổng Thống Mỹ, Kamala Harris, chủ trì tại nhà của bà.

    Thống kê cho thấy có hơn 2,9 triệu chủ doanh nghiệp Người Mỹ gốc Á và chúng ta tuyển dụng khoảng 5 triệu người. Sức mua của Người Mỹ gốc Á sẽ đạt mức cao kỷ lục 1,6 nghìn tỷ USD trong năm nay. Người Mỹ gốc Á là nhóm dân tộc phát triển nhanh nhất và là người tiêu dùng công nghệ lớn nhất ở Hoa Kỳ. Đây là cơ hội lớn cho các tổ chức mong muốn phát triển cùng cộng đồng người Mỹ gốc Á.

    Hãy cùng nhau hợp tác trong năm Giáp Thìn để cùng hưởng một năm tràn ngập may mắn, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng.

    Chúc Mừng Năm Mới!

    _____

    It was an honor to represent VBI Global to attend the Lunar New Year Celebration acknowledging the crucial role of Asian Americans in leadership hosted by the Vice President of United States, Kamala Harris, at her home.

    Statistics show there are more than 2.9M AAPI (Asian American Pacific Islander) business owners and we employ about 5 million people.. Our buying power will reach a record high of 1.6 trillion USD this year. We are the fastest growing ethnic group and the largest consumer of technology in the U.S. This is a huge opportunity for organizations who wish to grow with the Asian American communities.

    Let’s collaborate in the Year of the Dragon to make it a year fill with many blessings, happiness, healthy and prosperous for all.

    “Chúc Mừng Năm Mới!”


  • 27 Jan 2024 10:17 PM | Anonymous

    HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU TRỞ THÀNH CHIẾC CẦU NỐI CHO CÁC DOANH NGHIỆP (DN) VIỆT MỞ RỘNG KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ Ở THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ, VBI GLOBAL HỘI TỤ CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỘNG ĐỒNG VÀ XÂY DỰNG NỀN TẢNG GIÚP DN VIỆT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG. THEO ÔNG NGÔ BẢO LÂM, TRONG NĂM 2024, TỔ CHỨC NÀY SẼ TRIỂN KHAI NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ CHO MỘT SỐ NGÀNH, TRONG ĐÓ CÓ DN NGÀNH NỘI THẤT TIẾP CẬN KHÁCH MUA HÀNG TẠI HOA KỲ.

    Phỏng vấn ông NGÔ BẢO LÂM - Chánh văn phòng VBI Global tại Houston, TX.

    * Tháng 4/2023, gần 2.000 khách mời đến từ 250 DN do người Việt làm chủ ở nhiều quốc gia như: Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Việt Nam đã có dịp tụ hội ở Houston, Texas, Hoa Kỳ để cùng tham dự VBI Global Conference & Expo. Việc tổ chức sự kiện kết nối kinh doanh khá ấn tượng này hướng đến mục tiêu nào, thưa ông?

    - VBI Global là một tổ chức phi lợi nhuận, phi tôn giáo, phi chính trị được thành lập với mong muốn kết nối các doanh nhân Việt đang kinh doanh, đầu tư toàn cầu, cùng phát huy sức mạnh gắn kết để nâng cao uy tín cộng đồng người Việt. VBI Global Conference & Expo 2023 là sự kiện thứ ba, sau hai lần chúng tôi tổ chức thành công tại Washington DC và Los Angeles. Sự kiện thành công nhờ đáp ứng được nhu cầu kết nối, mở rộng kinh doanh của các DN Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức, lạm phát khiến người mua hàng thắt chặt chi tiêu. Nhiều MOU được ký kết, nhiều mối quan hệ hợp tác đã được triển khai sau chương trình, tạo cơ hội cho các DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước. Vì sao các DN Trung Quốc luôn tạo được kết nối để có lợi thế chung còn DN Việt Nam thì chưa? Đó chính là động lực để chúng tôi tiếp tục triển khai VBI Global Conference & Expo, cũng ở Houston, vào tháng 5/2024, với quy mô lớn hơn rất nhiều lần. Sự kiện này tập trung hỗ trợ nhiều cho các DN Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu tiềm năng như nội thất, vật liệu xây dựng, nông sản thực phẩm và một số ngành nghề khác. 

    * Địa điểm này có gì khác biệt?

    - DN Việt Nam đang hoạt động khắp mọi nơi trên toàn cầu nhưng trên bản đồ xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường trọng tâm. Thị trường này còn khá nhiều tiềm năng, và hơn hết là chưa bị ảnh hưởng lớn bởi các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, sức mua vẫn ổn. Chính sách kiềm chế lạm phát hiệu quả đã giúp nền kinh tế này trụ vững và tăng trưởng ổn định.  Bên cạnh đó, VBI Global có được hậu thuẫn lớn từ phía chính quyền địa phương. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đón nhận đội ngũ doanh nhân Việt Nam vào Hoa Kỳ, chính quyền Houston còn giới thiệu và tổ chức cho các DN Hoa Kỳ đến tham gia. Các hiệp hội DN ở Mỹ cũng sẽ kêu gọi thành viên tìm kiếm đối tác ở sự kiện này. Khi quy mô được mở rộng, chương trình cũng sẽ phong phú hơn, với các hoạt động kết nối giao thương, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, hoạt động tư vấn cho DN Việt Nam có thêm kỹ năng chinh phục thị trường quốc tế...

    * Theo quan sát của ông, cơ hội để DN Việt Nam chinh phục khách hàng toàn cầu có lớn?

    - Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được xem là điểm đến tiềm năng của các thương hiệu quốc tế. Khả năng sản xuất của các DN Việt Nam đã được xác thực qua việc cung ứng sản phẩm cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, khi nhìn lại khung giá trị mà các DN Việt Nam nhận được, các thành viên sáng lập VBI luôn tiếc nuối, vì sao chúng ta đa phần chỉ gia công? DN Việt Nam đang có những hạn chế nào? Câu trả lời nằm ở kỹ năng kinh doanh. DN Việt chỉ tập trung vào thế mạnh sản xuất nhưng tư duy kinh doanh còn ngắn, còn phụ thuộc vào thiết kế và đơn hàng “cầm tay chỉ việc”. Những hạn chế đó chỉ có thể giải quyết được khi DN trang bị một tâm thế hoàn toàn khác trong kinh doanh, bước chân ra tiếp cận trực tiếp đến thị trường toàn cầu. Đó chính là lý do sau VBI Global Conference & Expo 2023, chúng tôi tổ chức chương trình kết nối tại TP.HCM, mời nhiều chuyên gia xuất khẩu sang Mỹ trong nhiều lĩnh vực đến chia sẻ kinh nghiệm. Những kiến thức “thực chiến” như pháp lý, thuế, tài chính, vận hành DN, văn hóa bản địa,… từ phía người đi trước giúp ích rất lớn cho DN. 

    * Cụ thể, những cái “khác” ấy là gì?

    - Trong các hoạt động, VBI luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các DN Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu, tiếp cận người dùng bằng chính tên tuổi của mình. Công việc nghiên cứu và phát triển, tư vấn chiến lược tiếp cận thị trường khác với việc gia công, DN phải đi vào chiều sâu, bằng cách đảm bảo chất lượng, có khả năng chịu đựng về mặt tài chính và có tư duy xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Ngoài ra, DN còn phải có tầm nhìn xa, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nếu cứ giữ tư duy kinh doanh ngắn, xem đối tác như là nguồn lợi trước mắt thì rất khó để tồn tại. DN phải có tư duy mới và mở, có chiến lược kinh doanh cụ thể thì mới tiếp cận được thị trường toàn cầu. Có một điển hình khá thú vị mà tôi có dịp tiếp cận là một thành viên của VBI Global, chuyên kinh doanh mảng vật liệu xây dựng. Sở hữu thế mạnh sản xuất tại Việt Nam, trong chiến lược phát triển bền vững của mình, ông ấy thuê hẳn DN Mỹ làm dịch vụ sales. Hoạt động kinh doanh hiệu quả, công ty tiến đến sáp nhập đối tác của mình rồi từ đó sử dụng tiềm năng, nguồn lực, tiếp tục phát triển tại Hoa Kỳ và từng bước đi xa hơn. Điển hình này cho thấy, có nhiều cách tiếp cận để thành công ở thị trường quốc tế. Hội chợ chỉ là bước khởi đầu, DN đến với VBI để được hỗ trợ, để không cảm thấy đơn độc khi có cộng đồng đi cùng nhau. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nỗ lực và sự sáng tạo của mình.

    * Xin cảm ơn ông!

    Trích báo Xuân 2024 - Gỗ và Nội Thất , VIỆT PHƯƠNG thực hiện.

  • 29 Dec 2023 9:26 AM | Anonymous

    Khẳng định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng thị phần tại Mỹ, ông Vinh Nguyễn - Chủ tịch VBI Global, cho rằng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần nhanh chóng kết nối và thành lập trung tâm xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ để tiếp cận trực tiếp người dùng, tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng sau khi đã chứng thực năng lực ở vai trò gia công. 

    Ngày 15/8, VinFast đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - Nasdaq Global Select Market. Đây là sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận tại Việt Nam. Là người giữ vai trò kết nối các doanh nhân Việt trên đất Mỹ, ông đánh giá thế nào về sự kiện này? DN Việt Nam đã sẵn sàng bước ra sân chơi lớn?

    - Việt Nam chính thức có một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ là sự kiện đáng tự hào. Mặc dầu thời gian đầu giá cổ phiếu dao động nhiều nhưng sau một thời gian, giá cổ phiếu sẽ ổn định ở mức phản ảnh sức mạnh thật, tiềm năng thật, tầm vóc và triển vọng phát triển tương lai của công ty. Đây là hướng đi tất yếu để tiếp cận thẳng nhà đầu tư thế giới thay vì chỉ dựa vào nguồn lực tài chính trong nước hoặc dựa vào các quỹ đầu tư đơn lẻ. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi trong tương lai những DN như Vinamilk, Vietjet, Masan, FPT hoặc những công ty tầm vóc như thế sẽ tuần tự theo chân VinFast. * Nhiều ý kiến trái chiều trong câu chuyện niêm yết của VinFast, tâm lý “nhược tiểu” vẫn hiện diện trong từng bước chân của người Việt khi bước chân ra thế giới. Theo ông, đây có phải là một trong những hạn chế? - Cũng đúng thôi, vì đây là lần đầu một công ty Việt Nam mạo hiểm vào cuộc chơi mới, bập bẹ bước đi với nhiều thử thách, bấp bênh và rủi ro. Nếu nỗ lực của họ thành công, tức là sẽ gọi vốn được trên thị trường chứng khoán Mỹ, chắc chắn tư duy đó sẽ thay đổi và nhiều công ty khác từ Việt Nam sẽ mạnh dạn nhập cuộc. Tham gia vào thị trường chứng khoán Mỹ, các công ty Việt Nam không những gọi được thêm vốn từ bên ngoài, mà còn giúp họ làm ăn minh bạch theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Trước nhu cầu phát triển, tôi nghĩ các DN khác cũng nên chuẩn bị điều này, sẽ tốt hơn cho tương lai đất nước.

    * Bên cạnh thị trường tài chính, là người “trực chiến” ở thị trường Mỹ, theo ông, khả năng trực tiếp thâm nhập thị trường Mỹ của sản phẩm Việt Nam thế nào? -

    Tôi dám khẳng định một cách chắc chắn là các DN Việt Nam có thừa khả năng thâm nhập trực tiếp thị trường Mỹ. Cái khó hiện tại là họ thiếu “tai mắt” ở thị trường này để có thể hiểu và đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Ví dụ, DN sản xuất ghế mây và đưa hàng loạt sản phẩm sẵn có vào thị trường Mỹ, do không đúng thị hiếu của khách, hàng không bán được nên bị tồn kho. Ngược lại, nếu công ty có bộ phận bên ngoài đi khảo sát, tiếp cận với người tiêu dùng hoặc các công ty đầu mối để họ đưa thông tin, thiết kế, mẫu mã mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng thì hàng sẽ bán chạy. Một vấn đề khác trong quá khứ là hầu hết các nhà sản xuất Việt Nam có quy mô nhỏ, không sản xuất được số lượng lớn cho nên nhiều lúc phải hợp tác với nhiều DN khác, đưa đến việc không kiểm soát được chất lượng đồng đều. Vấn đề không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà cả trong ngành nông nghiệp nữa. * Theo ông, DN cần lưu ý những vấn đề nào khi xúc tiến thương mại vào thị trường Mỹ? - Khi làm việc với các nhà đầu mối Mỹ, tôi thường nghe họ than phiền rằng các công ty Việt Nam hay hứa hẹn. Lúc nào cũng nói là chu toàn được, mặc dầu biết là không đủ khả năng cung cấp số lượng hoặc bảo đảm chất lượng, cứ hứa rồi tính sau. Có những trường hợp làm tốt lần đầu, đến đơn hàng thứ hai xuống cấp, làm mất lòng tin, rất khó để xây dựng lại. Tôi nghĩ, chúng ta cần xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc nhất.

    Thị trường Mỹ rất quan trọng trong mục tiêu xúc tiến thương mại. Nhu cầu của thị trường Mỹ rất cao, đòi hỏi khắt khe từ người tiêu dùng lẫn các cơ quan kiểm định của Mỹ. Ví dụ, muốn đưa gạch bông vào thị trường Mỹ, nhà sản xuất phải gửi mẫu cho các phòng thí nghiệm đo độ bền, độ thấm nước, độ trơn trợt rồi phân loại để người tiêu dùng biết để so sánh với sản phẩm của các thương hiệu, quốc gia sản xuất khác, và dĩ nhiên giá thành sẽ tùy vào sự phân loại đó. Và một khi sản phẩm đã vào được thị trường Mỹ thì rất dễ để vào thị trường các nước khác trên phương diện chất lượng. * Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu đồ nội thất sang Mỹ, nhưng phần lớn là gia công theo đơn đặt hàng. Liệu DN Việt Nam có khả năng kinh doanh nội thất trực tiếp tại thị trường Mỹ? - Gia công theo đơn đặt hàng là bước đầu. Bước thứ hai phải hướng đến kinh doanh trực tiếp. Đây là bước rất quan trọng vì buôn bán trực tiếp với khách hàng, khả năng nắm bắt cơ hội và thị trường lớn hơn, DN kiểm soát được thị phần, tùy khả năng sản xuất và tiếp thị. Điều quan trọng là khi tiếp cận, DN sẽ hiểu rõ nhu cầu của thị trường và phân khúc mà mình muốn tiếp cận hay thâm nhập, từ đó việc sản xuất, kinh doanh cũng sẽ chủ động hơn. Trước đây chúng ta phải cạnh tranh với đối thủ lớn là Trung Quốc. Nay vì căng thẳng chính trị, hàng Trung Quốc khó tiếp cận thị trường hơn. DN Việt Nam nên nhanh chóng chớp lấy thời cơ chiếm lấn thị phần. Muốn vậy, DN phải có đội ngũ chuyên nghiệp giúp tiếp thị ở Mỹ. Dùng người không đúng hoặc không chuyên nghiệp sẽ không mang lại kết quả như mong muốn hoặc sẽ đánh mất cơ hội.

    * Cụ thể, cơ hội cho các DN nội thất lớn như thế nào tại Mỹ?

    - Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Mỹ (National Association of Realtors), số nhu cầu bình quân cho nhà mới xây ở Mỹ mỗi năm là 1.500.000 hộ, từ căn hộ chung cư (condo), nhà phố (townhouse) đến nhà biệt lập (single family home). Nếu mỗi hộ cần một cái bếp, nghĩa là cần 1.500.000 bộ tủ bếp gỗ (kitchen cabinet) mỗi năm chỉ cho một phần phân khúc này. Và đó chỉ là nhà mới xây, chưa đề cập đến các căn hộ cho thuê, nhà cũ trao tay (5.000.000 căn/năm). Dù chỉ chiếm lĩnh một số phần trăm của những con số này, doanh số mang về cho DN nội thất Việt Nam tham gia cũng không hề nhỏ! Các DN cần nghiên cứu thị trường, lập chiến lược nghiêm túc. DN Việt Nam có thể làm việc với các nhà đầu mối như Home Depot, Lowe’s, hay các công ty xây dựng lớn, các quỹ đầu tư vào căn hộ cho thuê, hệ thống khách sạn... Nếu có thể thì thành lập mô hình trung tâm cung ứng dịch vụ chuyên cho ngành nội ngoại thất, với sự tham gia của nhiều DN nội thất kết hợp với nhau, vận hành trực tiếp tại Mỹ. Đây là mô hình cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Một DN không đủ sức lập một nhóm chuyên lo phần tiếp thị ở Mỹ thì các DN Việt Nam nên hợp tác thành lập một trung tâm cung ứng dịch vụ chuyên ngành để giúp các DN ngành gỗ thâm nhập vào các phân khúc liên quan đến sản phẩm gỗ. Trung tâm có thể đi tìm khách hàng, lấy đơn hàng theo thiết kế của khách hay dùng thiết kế của các nhà sản xuất. Hoặc đi tìm Request For Proposal/Quote (RFP/RFQ) cho các thành viên chia nhau tham gia hay đấu thầu thực hiện. * Để có thể vận hành và duy trì dự án hiệu quả, các DN tham gia cần chuẩn bị gì? - HAWA hay một số DN quan tâm có thể thành lập trung tâm xúc tiến thương mại ngành gỗ ở Mỹ, thuê nhân sự điều hành. Hoặc VBI Global và một số thành viên có thể nghiên cứu và đưa ra dự thảo hỗ trợ. Các DN tham gia sẽ đóng góp một số ít vốn đầu tư vào vận hành trung tâm. Như đã nói, lúc này là thời điểm rất thuận lợi cho các DN Việt Nam nói chung và cho ngành gỗ nói riêng để thâm nhập thị trường Mỹ, nhất là ngành gỗ. Mặt khác, Chính phủ Mỹ đang giúp đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển, để Việt Nam thành đầu cầu trong dây chuyền cung ứng cho Mỹ thay Trung Quốc. Nếu không tận dụng thời cơ này thì sẽ mất cơ hội tốt. * Sắp tới, các hoạt động của VIB Global là gì, thưa ông? - Mỗi năm VIB Global có 2 hội nghị thường niên. Hội nghị tới sẽ được tổ chức ở Houston vào ngày 8 và 10/5/2024. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều đoàn giao thương qua lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tạo cơ hội cho doanh nhân hai nước gặp gỡ B2B. Chúng tôi cũng mong muốn lập một trung tâm xúc tiến thương mại ở Mỹ, quảng bá sản phẩm, dịch vụ Việt Nam.

    * Xin cảm ơn ông!

    Trích Phỏng Vấn Ông Vinh Nguyễn - VBI Global trên tạp chí Gỗ và Nội Thất số 94 - VICTOR TRẦN

  • 28 Jan 2022 9:37 AM | Anonymous

    Hội nghị và hội chợ triển lãm "Conference & Expo VBI Global 2023" được tổ chức vào ngày 21/4, tại Houston, Mỹ.

    Conference & Expo VBI Global 2023 là sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư quan trọng, là cầu nối giao thương hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ trên toàn cầu. Chủ đề xuyên suốt trong ba ngày của hội nghị là "Chuyển đổi để thành công".

    Sự kiện dành cho các doanh nghiệp do người Việt trên toàn thế giới làm chủ. Đây là nơi các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư có cơ hội giao lưu, học hỏi, kết nối tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp - phân phối, phát triển các mối quan hệ kinh doanh đầu tư.

    Theo trưởng ban tổ chức - ông Ngô Bảo Lâm, Chánh văn phòng VBI Global, nền kinh tế toàn cầu trải qua nhiều biến động trong ba năm qua đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, dẫn đến hàng loạt điều chỉnh từ các doanh nghiệp để thích nghi với những thách thức của môi trường kinh doanh mới.

    Nhằm từng bước hiện thực một trong những sứ mệnh chính của VBI Global là làm cầu nối giúp các công ty của người Việt phát triển ra toàn cầu, hội chợ triển lãm sẽ bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau, từ kinh doanh, công nghệ, nông nghiệp, xây dựng - nội thất, xuất nhập khẩu, đến dịch vụ tài chính, giáo dục, nhượng quyền, chuyển giao công nghệ,... Đây là cơ hội để các chủ doanh nghiệp người Việt kết nối và mở rộng mạng lưới hội nhập sâu rộng hơn ở Mỹ cũng như tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước.

    Đại diện VBI Global tại Hội Nghị ở Washington D.C.

    Đại diện VBI Global tại hội nghị ở Washington D.C. Ảnh: VBI Global

    Ông Vinh Nguyễn - chủ tịch VBI Global chia sẻ: "Tôi đã định cư, làm ăn hơn 40 năm trên đất Mỹ và luôn cảm thấy đơn độc vì người Việt chưa thật sự có được sự hỗ trợ từ các tổ chức để gắn kết và cùng nhau phát triển. Đó cũng là lý do trong những năm qua, chúng tôi cùng nhau xây dựng tổ chức VBI Global để giúp cộng đồng doanh nhân Việt có tiếng nói chung".

    Do đó, sau hai lần tổ chức thành công tại Washington DC và Los Angeles, tháng 4 tới, tại Houston, sẽ là một hội nghị kết hợp hội chợ triển lãm dự kiến với hơn 250 doanh nghiệp do người Việt làm chủ ở nhiều quốc gia trên thế giới: Mỹ, Canada, Australia, Pháp và Việt Nam. Tại đây, đơn vị tổ chức dự kiến sẽ có trên 2.000 khách mời tham dự, sự kiện cũng sẽ có sự góp mặt của các hiệp hội doanh nhân, các cơ quan xúc tiến thương mại Mỹ và đặc biệt là sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng cùng các quỹ đầu tư tài chính.

    Ban tổ chức tiết lộ sự kiện lần này sẽ có phần tham dự của các tập đoàn phân phối hàng đầu của Mỹ, họ đều trông chờ để tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao từ khắp nơi, đặc biệt là Việt Nam. VBI Global kỳ vọng đây sẽ là cú hích tạo đà để ngày càng có nhiều doanh nhân gốc Việt bước vào thị trường lớn - mainstream - của Mỹ. Thêm vào đó, sự tham gia của các doanh nghiệp cũng là cơ hội để VBI Global tiếp tục phát triển các thành viên để ngày càng tạo được dấu ấn cùng nhau phục vụ cộng đồng doanh nghiệp Việt trên toàn cầu.

    Các thành viên VBI Global tại Hội Nghị ở California.

    Các thành viên VBI Global tại hội nghị ở California. Ảnh: VBI Global

    VBI Global là tổ chức toàn cầu kết nối người Việt về kinh doanh và đầu tư. VBI Global cũng là tổ chức phi chính trị, phi tôn giáo, đăng ký pháp nhân công ty không chia lợi nhuận có trụ sở chính tại bang Texas, Mỹ. Thành viên của VBI Global là người Việt làm kinh doanh và đầu tư trên toàn cầu, cùng tham gia xây dựng với bốn giá trị cốt lõi: hợp tác, thịnh vượng, học tập và uy tín.

    Những thành viên này cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và không ngừng học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới với mục tiêu chung là tạo dấu ấn riêng biệt và nâng tầm ảnh hưởng có giá trị cao của người Việt trên toàn cầu.

    Nguồn: VNExpress

11111 Katy Freeway, Suite 910, Houston, Texas 77079 U.S.A
VBI GLOBAL Organization is a 501(c)6 non-profit organization. 

Privacy Policy | Terms of Use

Powered by Wild Apricot Membership Software